Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. Mỗi dân tộc Dao, H’Mông, Nùng, Cờ Lao, La Chí… lại sở hữu những bản sắc riêng trong đời sống sinh hoạt thường ngày, tạo nên một nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì vô cùng độc đáo.
LỄ GỌI HỒN LÚA
Theo người Dao đỏ ở đây, cây lúa cùng các loại cây trồng khác cũng có phần hồn và phần xác. Từ lúc sinh trưởng trên những thửa ruộng đến khi về bồ thóc của mỗi gia đình, vài bộ phận của cây lúa hoặc những hạt thóc có thể bị chim chóc, chuột, bọ phá hoại hoặc rơi vãi trong quá trình thu hoạch nên không về được đến nhà mà lang thang bất định trong vũ trụ bao la. Vì vậy, muốn mùa màng bội thu, họ tổ chức lễ cúng để gọi những phần hồn của cây, lá và hạt lúa về với gia chủ, sinh trưởng khỏe mạnh, chống chọi được sâu bệnh.
Ngoài thịt gà, rượu, bánh chưng, xôi, cốm, cá chép ruộng, hương, giấy bản thì đồ cúng bắt buộc phải có vật phẩm từ ruộng vườn như sâu măng, nhộng ong… Cùng với lễ cúng trước bàn thờ tổ tiên, còn có một đàn tế Ngọc Hoàng ở trước cửa chính của ngôi nhà. Các loại hạt giống mà gia chủ hay trồng được buộc thành bó và treo vào móc một chiếc cân để thầy cúng thực hiện nghi thức gọi hồn. Các thành viên trong gia đình còn chuẩn bị vật dụng cần thiết cho việc ra đồng. Những bậc ruộng uốn lượn theo sườn đồi đã sẵn sàng cho một mùa vụ mới, để chở trên mình bụi lúa nặng trĩu bông.
LỄ CÚNG CƠM
Ánh mặt trời len lỏi qua tầng mây dày đặc, rải những giọt nắng hiếm hoi lên những thửa ruộng bậc thang được công nhận Di tích Quốc gia. “Cơn sóng” lúa chảy xuống thung sâu rồi vút lên cao giữa mây trắng bồng bềnh chính là kết tinh của đức tính cần cù và kỹ năng canh tác. Trong quan niệm của người La Chí ở xã Bản Phùng, cúng cơm là nghi lễ rất quan trọng để tạ ơn tổ tiên. Trước ngày tổ chức lễ, người vợ của chủ nhà, còn gọi là “mẹ lúa”, sẽ dậy sớm để đi ngắt những bông lúa đầu tiên. “Mẹ lúa” hái ba bông đầu, gói vào lá chuối với ý nghĩa hồn gốc lúa được cất vào trong gùi, rồi tiếp tục ngắt những bông lúa khác.
Đến đêm, “mẹ lúa” lấy lúa mới ra sấy trên bếp rồi cho vào cối giã, sàng, sảy thành gạo để sáng sớm hôm sau đồ cơm và làm cốm. Vật phẩm trong lễ cúng gồm rượu hoẵng, thịt chim, cá chép ruộng… và nhất định phải có thịt chuột nấu chín, bởi người La Chí cho rằng ở đâu có thức ăn thì ở đó có chuột, nếu không cúng tế cho tổ tiên thì mùa màng sẽ bị loài vật này phá hoại.
TRÒ NHẢY LỬA
Lửa mang lại sự ấm áp, đón mừng một mùa thu hoạch và cầu thần linh phù hộ cuộc sống ấm no, xua đuổi tà ma, bệnh tật. Nhảy lửa cũng chính là sợi dây tình cảm đưa mọi người gần nhau hơn trong dịp lễ, Tết. Nhiều cô gái đã chọn được người yêu là các chàng trai dũng cảm nhảy múa trong lửa.
TẾT KHU CÙ TÊ
Là một trong những lễ hội độc đáo của dân tộc La Chí, Tết Khu cù tê (Tết uống rượu tháng bảy) là dịp những người trong dòng họ gặp nhau, cùng ăn uống, tâm sự, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, cầu mong cuộc sống ấm no. Đây được xem là điểm nhấn đặc biệt trong nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì.
Vào đúng ngày và giờ đẹp, dân làng tập trung tại nhà thờ của trưởng tộc để cúng tổ tiên. Người dân mổ trâu hoặc mổ lợn, gà và làm rượu hoẵng để tế lễ. Hát giao duyên và uống rượu sẽ diễn ra cả ngày và thâu đêm. Hôm sau, mọi người trở về nhà làm thủ tục gọi tổ tiên. Lễ vật chuẩn bị gồm có thịt gà, thịt lợn và nhất định phải có thịt chuột nấu chín.
Các gia đình đến nhà nhau ăn Tết, vui chơi đến khi hết Tết mới thôi. Thời gian đoàn tụ sum vầy, những bữa cơm tràn đầy hạnh phúc giữa ruộng lúa và hương rừng đã đưa Tết Khu cù tê vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cứ thế, vùng đất Hoàng Su Phì chính là nơi những bông lúa chắt lọc tinh hoa từ đất mẹ, kết thành nguồn sống.